Ảnh đại diện
Phượng Tía Tác giả uy tín
Phượng Tía Tác giả uy tín
<div class="block-wrapper" type="quote"><blockquote style="text-align: left;"><p class="quote-body">Khi nhắc đến thời đại Đông A, hậu thế đều biết đến tiếng tăm lẫy lừng của thái sư Trần Thủ Độ, người có&nbsp; công lớn trong việc chuyển giao ngai vàng từ họ Lý về tay họ Trần. Nếu như Trần Thủ Độ được coi là người hoàn tất công cuộc chuyển giao thì anh họ của ông, Trần Tự Khánh chính là người mở ra con đường đi tới ngôi vua cho họ Trần. Thuỵ hiệu Kiến Quốc Đại vương được truy phong sau khi vua Trần Thái Tông lên ngôi chính là sự ghi nhận những đóng góp của Trần Tự Khánh với cơ nghiệp nhà Trần.</p><span class="quote-caption"></span></blockquote></div><div class="block-wrapper" type="image"><img src="/api/v1/media/dfc23f7355b3c15dd48d983a4853e23ed862c4610b1d35fba7d1f98bda20ff7e.jpg"alt="14. Tran Tu Khanh.jpg"style="max-width: 100%;"></div><div class="block-wrapper" type="paragraph"><p><b><i>Loạn thế sinh anh hùng</i></b></p></div><div class="block-wrapper" type="paragraph"><p>Theo Đại Việt Sử ký Toàn thư thì Trần Tự Khánh là con thứ hai của Trần Lý, em của Thái Tổ Trần Thừa và là anh của Linh Từ quốc mẫu Trần Thị Dung. Trần Tự Khánh lớn lên trong thời kỳ suy yếu của triều đình nhà Lý, vua Lý Cao Tông chơi bời vô độ, bỏ bê triều chính, quan lại tham ô ra sức bóc lột, dân chúng khốn cùng, nạn cướp bóc nổi lên, loạn lạc triền miên. Khắp nơi các tướng lĩnh, hào trưởng địa phương nhân lúc loạn lạc nuôi ý định xây dựng lực lượng riêng, trong đó có cha Trần Tự Khánh là Trần Lý ở vùng Hải Ấp.</p></div><div class="block-wrapper" type="paragraph"><p>Năm 1209, vua Cao Tông nghe lời gian thần Phạm Du, xử oan tướng Phạm Bỉnh Di khiến cho thuộc hạ của Bỉnh Di là Quách Bốc bất bình, nổi loạn. Trước tình thế đó, vua Cao Tông theo Phạm Du chạy trốn về Tam Nông (Phú Thọ), còn Thái tử Sảm (tức vua Lý Huệ Tông) cùng mẹ là An Toàn Hoàng hậu và hai em gái chạy về quê ngoại vùng Hải Ấp (Thái Bình) rồi được cha Trần Tự Khánh là Trần Lý và cậu ruột ông, Tô Trung Từ phò tá. Quách Bốc đem quân vào nội điện thì cả Vua và Thái tử đều bỏ trốn, liền tôn hoàng thứ tử là Lý Thầm mới 8 tuổi làm vua. Nghe tin, Trần Lý và Tô Trung Từ bèn tôn Thái tử Sảm làm vua, xưng là Thắng vương. Thái tử Sảm lấy con gái của Trần Lý là&nbsp;Trần Thị Dung làm vợ và phong cho Trần Lý tước Hải Minh Tự, Tô Trung Từ làm Điện tiền Chỉ huy sứ. Nhân có chính lệnh của Thái tử, Trần Lý có chính danh phát triển lực lượng để đánh Quách Bốc. Lúc này, Trần Tự Khánh trở thành cánh tay đắc lực trợ giúp cho cha và cậu.</p></div><div class="block-wrapper" type="paragraph"><p>Năm 1210, Tô Trung Từ và Trần Lý đánh bại Quách Bốc nhưng Trần Lý tử trận. Tô Trung Từ sai người đến Hải Ấp rước Thái tử Sảm đưa về kinh sư. Trần Tự Khánh tuy là con thứ nhưng thay cha thống lĩnh đội quân họ Trần. Có người suy đoán Trần Tự Khánh trở thành người kế nhiệm cha có thể vì Tự Khánh tuy là em nhưng là con đích còn người anh Trần Thừa là dòng thứ xuất. Lại có ý kiến cho rằng bởi Trần Tự Khánh thông thạo binh pháp, có tài cầm quân, tướng tá quân sĩ đều theo phục nên được chọn làm người lãnh đạo họ Trần. Quả thật những gì diễn ra về sau đã cho thấy Trần Tự Khánh không hổ danh là vị tướng tài hiếm có trong thời loạn.</p></div><div class="block-wrapper" type="paragraph"><p>Tháng 10 năm 1210, vua Cao Tông băng hà, Thái tử Sảm lên ngôi, tức vua Lý Huệ Tông. Huệ Tông lập Trần Nhị Nương làm Nguyên phi, Tô Trung Từ được phong làm Thái uý cùng với Đàm Dĩ Mông coi việc triều chính, Trần Tự Khánh được phong tước Chương Thành hầu. Để đánh bại Quách Bốc, phò tá vua Lý hồi kinh, họ Trần đã phải hy sinh biết bao xương máu, của cải, bản thân Trần Tự Khánh đã mất cha trong chiến trận. Thế nhưng khi luận công khen thưởng, ông cậu Tô Trung Từ trở thành đại thần đầu triều còn đứa cháu Trần Tự Khánh thì chỉ phong “hầu” làm “bá” địa phương chứ chẳng được tham chính. Rất có thể lúc này trong nội bộ gia đình họ đã có lục đục giữa ông cậu họ Tô và những đứa cháu họ Trần.</p></div><div class="block-wrapper" type="paragraph"><p>Tháng 7 năm 1211, Tô Trung Từ đang đêm sang Gia Lâm tư thông với công chúa Thiên Cực, bị quan nội hầu Vương Thượng là chồng công chúa giết chết. Tô Trung Từ sau khi trở thành quyền thần lại rơi vào cái kết ham sắc hại thân y hệt cái chết của gian thần Phạm Du khi trước. Cái chết của Tô Trung Từ một lần nữa khiến kinh thành hỗn loạn, các bộ tướng của Tô Trung Từ là Nguyễn Tự, Nguyễn Trinh làm phản tự tách thế lực riêng, con rể Tô Trung Từ là Nguyễn Ma La cũng bị Nguyễn Trinh giết hại. Lực lượng của họ Tô Trung tan rã.</p></div><div class="block-wrapper" type="paragraph"><p>Nhân lúc kinh thành bỏ trống, Trần Tự Khánh kéo quân về kinh sư, an táng cho người cậu Tô Trung Từ. Từ đó, chiến sự giữa các sứ quân ở cả kinh thành lẫn thế lực cát cứ địa phương ngày càng ác liệt và cuối cùng Trần Tự Khánh thắng thế, anh em họ Trần nắm quyền khống chế triều đình nhà Lý. Có thể thấy ở điểm xuất phát, Trần Tự Khánh không có nhiều lợi thế so với các thế lực khác, song bằng tài thao lược, bản lĩnh chiến đấu thực thụ của mình, ông cùng với đội quân họ Trần đã giành được quyền kiểm soát kinh sư và triều đình vua Lý.</p></div><div class="block-wrapper" type="paragraph"><p><b><i>Gian hùng “phản trắc” phế lập ngôi vua</i></b></p></div><div class="block-wrapper" type="paragraph"><p>Việc Trần Tự Khánh tự ý kéo quân về kinh sư khi chưa có lệnh vua với danh nghĩa an táng cho cậu Tô Trung Từ đã khiến các thế lực khác có cớ vu với vua Lý Huệ Tông rằng ông đem quân về kinh sư là muốn mưu đồ phế lập. Có một số tư liệu ghi rằng năm 1211, <i>“Đàm Thái hậu ngờ vực Trần Tự Khánh có ý phế lập ngôi vua. Bà bèn đem ba Hoàng tử: Nhân Quốc vương, Lục hoàng tử và Thất hoàng tử con của Cao Tông với các thị thiếp khác dìm đầu chết ở sau giếng trong cung. Rồi sai đem xác cả ba người vứt ra ngoài thành. Quần thần đều sợ Thái hậu không ai dám can. Thế là ngôi vị của Huệ Tông được giữ vững mà không sợ bị phế lập</i>.”&nbsp; Vua Lý Huệ Tông nghi ngờ Trần Tự Khánh nên giáng Nguyên phi Trần thị xuống làm Ngự nữ và hạ chiếu cho các đạo binh khác đánh quân Trần Tự Khánh. Huệ Tông loay hoay dựa vào ngoại thích họ Đàm, lúc ngả theo họ Đoàn, khi chọn theo họ Nguyễn nhưng mấy lần xuất quân đều thua trận, phải đem Hoàng thất bỏ chạy lên Lạng Châu. Trần Tự Khánh cũng mấy lần đem thư tạ tội và xin đón xa giá nhà vua nhưng Huệ Tông từ chối và tiếp tục bỏ chạy. Có thể ở thời điểm đó quả thực Trần Tự Khánh không có ý đồ phế lập mà chỉ muốn nhà vua chọn theo họ Trần. Một phần vì có em gái là sủng phi của vua, một phần không muốn mang danh loạn thần tặc tử nên Trần Tự Khánh vừa đánh vừa xoa để buộc nhà vua về với mình.</p></div><div class="block-wrapper" type="paragraph"><p>Năm 1214, không đón được vua Huệ Tông về kinh, Trần Tự Khánh triệu tập các vương hầu, bá quan bàn việc cải lập, sai người đón một người con của vua Lý Anh Tông lập làm Nguyên vương, lấy chính danh tiếp tục đánh các sứ quân khác. Trần Tự Khánh đưa vua mới về hành cung Lý Nhân rồi bao vây Thăng Long, lấy hết tài sản, đốt phá cung điện, ngày vua Huệ Tông trở lại hoàng cung phải dựng lều tranh để ở. Trong lúc đó vua Lý Huệ Tông mắc kẹt giữa mẹ và vợ, sử chép: <i>"Đàm Thái hậu cho Trần Tự Khánh là kẻ phản trắc nên thường chỉ Trần thị mà nói là bè đảng của giặc, bảo nhà vua phải đuổi bỏ đi. Sau đó, bà lại sai người nói với Trần thị phải tự sát, nhà vua biết bèn ngăn lại. Lại khi Thái hậu cho người lén bỏ thuốc độc vào món ăn uống của Trần thị, nhà vua biết ý của mẹ mình, vì vậy mỗi bữa ăn ông thường chia cho Trần thị một nửa và không lúc nào cho rời bên cạnh. Đủ mọi cách thất bại khiến Đàm Thái hậu không nhịn nữa, bà trực tiếp sai người đem thuốc độc bắt Trần thị phải uống, nhà vua phải can ngăn mãi mới thoát được."</i> Trước sự hà khắc, tàn nhẫn của Thái hậu, vào tháng 5 năm 1216, vua Lý Huệ Tông đưa vợ đang mang thai chạy trốn khỏi hoàng cung, lẻn đến chỗ đóng quân của Trần Tự Khánh ở bãi Cửu Liên. Từ đấy Huệ Tông dựa vào họ Trần. Đón được nhà vua, Trần Tự Khánh bèn phế Nguyên vương mà mình đưa lên ngôi xuống làm&nbsp;Huệ Văn vương.</p></div><div class="block-wrapper" type="paragraph"><p>Tháng 12 năm 1216, Thuận Trinh phu nhân Trần thị được vua Lý Huệ Tông phong làm Hoàng hậu. Từ lúc đó, anh em, thân thuộc họ Trần chiếm hết các chức văn võ quan trọng trong triều: Trần Tự Khánh làm Thái úy, Trần Thừa được phong tước Liệt hầu làm nội thị phán thủ; con cả Tự Khánh là Trần Hải được phong tước Hiển Đạo vương, Trần Liễu (con cả Trần Thừa) được tước Quan nội hầu. Nắm quyền lớn trong tay, bằng đủ loại kế sách từ mỹ nhân kế tới chia rẽ nội bộ, chiêu hàng, đánh dẹp… tới năm 1223, về cơ bản Trần Tự Khánh đã bình định hầu hết các thế lực cát cứ chống triều đình, chỉ còn Nguyễn Nộn ở Bắc Giang và Đoàn Thượng ở Hồng Châu chưa trừ bỏ được hẳn.</p></div><div class="block-wrapper" type="paragraph"><p><b><i>Giữa đường đứt gánh, tham vọng dở dang…</i></b></p></div><div class="block-wrapper" type="paragraph"><p>Tháng 12 năm 1223, Trần Tự Khánh đột ngột qua đời ở Phù Liệt khi mới ở tuổi 40, không rõ vì nguyên do gì. Quyền bính trong triều được giao cho anh trai ông là Trần Thừa, người kế tục chức vị Thái úy và em họ ông là Điện tiền chỉ huy sứ Trần Thủ Độ. Có nguồn sử liệu ghi rằng trước đó, <i>“vào tháng 11 năm 1222, vua Lý Huệ Tông cùng Đàm thái hậu ngự ở điện Thiên An, con của Trần Tự Khánh là Hiển Đạo vương Trần Hải dâng nạp lễ vật cầu hôn Thuận Thiên công chúa”</i>. Người viết mạo muội cho rằng, tới năm 1222 có lẽ Trần Tự Khánh và họ Trần đã bắt đầu mưu tính chuyển giao ngai vàng. Tuy có em gái là Hoàng hậu nhưng không sinh được con trai, vua Huệ Tông mắc bệnh nặng lại chỉ có hai con gái là trưởng công chúa Thuận Thiên và nhị công chúa Chiêu Thánh (Nữ đế Lý Chiêu Hoàng sau này). Lúc bấy giờ việc anh chị em bên ngoại kết hôn với nhau là bình thường nên mặc dù cả Trần Hải và các công chúa đều còn nhỏ (Thuận Thiên mới 6 tuổi), Tự Khánh đã xin ban hôn để giành lấy vị trí trưởng phò mã cho Trần Hải. Đáng tiếc là việc chưa thành thì ông đột ngột qua đời, bỏ dở giữa đường sự nghiệp thống nhất đất nước lẫn tham vọng tiến tới ngai vàng của họ Trần. Tự Khánh chết thì con trai Trần Hải cũng mất đi chỗ dựa mà thất thế, mối hôn sự tốt đẹp với Trưởng công chúa cuối cùng rơi vào tay Trần Liễu, con trưởng của Trần Thừa mặc dù lúc đó Trần Liễu đã có chính thất. Từ đó về sau trong sử sách không còn thấy dòng ghi chép rõ ràng nào về Trần Hải cũng như hậu duệ của Trần Tự Khánh.</p></div><div class="block-wrapper" type="paragraph"><p><i>“Các sử gia thống nhất rằng: Xét toàn cục trong thời loạn lạc cuối nhà Lý, công dẹp Quách Bốc và các hào trưởng địa phương khiến họ Trần trở thành người thay thế họ Lý xứng đáng hơn cả; trong đó có sự đóng góp lớn nhất của Trần Tự Khánh. Quyền lực chính quyền trung ương lại dần dần tập trung, củng cố dưới sự lãnh đạo của họ Trần. Tình hình yên ổn và vị thế khá vững vàng của họ Trần trong triều tạo điều kiện cho Trần Thủ Độ sau đó thực hiện việc chuyển ngôi chính thức từ họ Lý sang họ Trần. Chẳng những cha con Trần Thừa, Trần Cảnh mà ngay cả Trần Thủ Độ cũng được thừa hưởng cơ nghiệp của ông để lại. Nói về sự kiện thay ngôi nhà Lý, "bàn tay" của Trần Thủ Độ được nhắc tới nhiều hơn cả, nhưng công lao "dọn chướng ngại" cho Thủ Độ hành động thuộc về Trần Tự Khánh.” (Trích Wikipedia)</i></p></div><div class="block-wrapper" type="paragraph"><p>Để nói về Trần Tự Khánh, người viết cho rằng gọi ông là anh hùng thời loạn, đội trời đạp đất, bình định thống nhất đất nước thì rất xứng đáng, mà nói ông là kẻ gian hùng không từ thủ đoạn chèn ép quân vương mưu đoạt hoàng quyền cũng chẳng hề sai. Đại nghiệp dở dang Trần Tự Khánh để lại đã được Trần Thừa cùng Trần Thủ Độ và Trần Thị Dung hoàn tất trong hai năm sau khi ông qua đời. Có lẽ ở thời kỳ suy tàn của triều đại họ Lý thì sự xuất hiện của một nhân vật như Trần Tự Khánh là điều tất yếu để mở đường cho một triều đại mới đảm đương vai trò lãnh đạo đất nước.</p></div><div class="block-wrapper" type="paragraph"><p><b><i>Đọc thêm:</i></b></p></div><div class="block-wrapper" type="linkTool"><a class="link-content" target="_blank" rel="nofollow noindex noreferrer" href="https://blog.vietales.vn/publication/nu-de-chuyen-chua-ke-k%E1%BB%B3-1-%E2%80%9Cnu-hoang-nuoc-mat%E2%80%9D-dai-viet-ly-thien-hinh"><div class="link-title">NỮ ĐẾ CHUYỆN CHƯA KỂ: Kỳ 1 “Nữ Hoàng Nước Mắt” Đại Việt: Lý Thiên Hinh</div><p class="link-description"></p><span class="link-anchor">blog.vietales.vn</span></a></div>